Trẻ bị ngộ độc thức ăn: Dấu hiệu, cách xử lý và những lưu ý cần biết

Reading time: 15:19 min

Nội dung

Trẻ bị ngộ độc thức ăn là tình trạng không quá hiếm gặp. Cha mẹ cần trang bị những kiến thức cơ bản để có thể chăm sóc trẻ đúng cách cũng như biện pháp phòng ngừa phù hợp.

Gần đây, sau sự kiện đón Tết Trung thu tối 29/09/2023 tại chung cư Palm Heights (TP.HCM), đã có gần 50 người bị rối loạn tiêu hóa, trong đó, 19 trường hợp phải nhập viện do nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh su kem. Đáng buồn hơn, thông tin ghi nhận một trường hợp bệnh nhi 6 tuổi đã tử vong và nghi ngờ do ngộ độc thực phẩm.

Có thể thấy, ngộ độc thực phẩm ở trẻ em có thể ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe của bé, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không có phương pháp xử lý đúng đắn và kịp thời. Để tránh những tình huống đáng tiếc, mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng trẻ bị ngộ độc thức ăn qua những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây.

Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em là gì?

Ngộ độc thực phẩm là một căn bệnh xảy ra nhanh chóng sau khi ăn uống phải thực phẩm bị ô nhiễm. Tình trạng này thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra.

Khi vi trùng gây ngộ độc thực phẩm xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ giải phóng độc tố, khiến trẻ bị nôn mửa, tiêu chảy. Một tin đáng mừng là nếu được xử lý và chăm sóc đúng cách, trẻ bị ngộ độc thức ăn thường phục hồi sau vài ngày mà không gặp vấn đề lâu dài.

Mặc dù vậy, trong một số trường hợp, ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng có thể cần được điều trị y tế kịp thời để khắc phục tình trạng mất nước và các biến chứng nguy hiểm khác.

Dấu hiệu trẻ bị ngộ độc thức ăn

Trẻ bị ngộ độc thức ăn: Dấu hiệu, cách xử lý và những lưu ý cần biết

Trong hầu hết những trường hợp ngộ độc thực phẩm ở trẻ em, các triệu chứng sẽ bắt đầu trong vòng 1-2 giờ sau khi ăn hoặc uống thức ăn hoặc nước uống bị ô nhiễm. Đôi khi, các dấu hiệu ngộ độc cũng có thể không xuất hiện trong vòng vài tuần. Đa số bé bị ngộ độc thức ăn sẽ khỏi bệnh trong vòng 1-10 ngày.

Trẻ bị ngộ độc thức ăn có biểu hiện như thế nào tùy thuộc vào tác nhân gây ngộ độc. Mặc dù vậy, thông thường, bé bị ngộ độc thực phẩm sẽ có những dấu hiệu điển hình sau:

  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Đau bụng
  • Chuột rút bụng
  • Tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng, phân nước
  • Sốt
  • Đau đầu
  • Suy nhược cơ thể

Trong một số ít trường hợp, ngộ độc thực phẩm có thể khiến trẻ cảm thấy chóng mặt, mờ mắt hoặc cảm thấy ngứa ran ở cánh tay. Trong những trường hợp rất hiếm, tình trạng suy nhược đôi khi đi kèm với ngộ độc thực phẩm sẽ gây khó thở.

Nguyên nhân khiến trẻ bị ngộ độc thức ăn

Khi ăn phải thức ăn hoặc thức uống bị nhiễm trùng, trẻ có thể bị ngộ độc thực phẩm. Thông thường, bé bị ngộ độc thức ăn có nguồn gốc từ động vật (thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng, hải sản, sữa và các chế phẩm từ sữa…). Mặc dù vậy, trái cây, rau củ và các thực phẩm sống chưa rửa sạch khác cũng có thể bị ô nhiễm và khiến trẻ bị ngộ độc thức ăn. Ngay cả nước uống cũng có thể gây ngộ độc thực phẩm.

Trong quá trình bảo quản, sơ chế và chế biến, thực phẩm và nước uống có thể bị ô nhiễm ở nhiều giai đoạn, chẳng hạn như:

  • Nước được sử dụng trong quá trình nuôi trồng có thể bị nhiễm phân động vật hoặc phân người.
  • Thịt gia súc hoặc gia cầm có thể tiếp xúc với vi trùng trong quá trình giết mổ, chế biến hoặc vận chuyển.
  • Việc bảo quản không đúng nhiệt độ hoặc để quá lâu khiến thực phẩm có thể lây nhiễm mầm bệnh.
  • Đầu bếp hoặc những người chế biến thực phẩm có thể khiến thực phẩm bị nhiễm trùng nếu họ không rửa tay đúng cách hoặc sử dụng đồ dùng nhà bếp không được vệ sinh sạch sẽ.

Những trẻ có tình trạng sức khỏe yếu (chẳng hạn như mắc bệnh mãn tính) hoặc có hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm hơn những bé có sức khỏe tốt.

Nên làm gì khi trẻ bị ngộ độc thức ăn?

Nên làm gì khi trẻ bị ngộ độc thức ăn?

Nếu bạn đang băn khoăn không biết trẻ bị ngộ độc thức ăn phải làm sao, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách xử lý khi bé bị ngộ độc thực phẩm.

1. Để trẻ nôn và đi ngoài

Việc nôn mửa, đi ngoài có thể giúp đào thải chất độc ra khỏi cơ thể. Do đó, phụ huynh không nên cho con uống thuốc cầm tiêu chảy hay cố gắng tìm mọi cách để ép bé ngừng nôn mửa nhé!

2. Bổ sung nước và chất điện giải cho trẻ bị ngộ độc thức ăn

Tình trạng nôn và tiêu chảy sẽ khiến trẻ bị mất nhiều nước. Do đó, điều quan trọng trong quá trình xử lý trẻ bị ngộ độc thức ăn là bù nước và điện giải cho bé. Cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước hoặc dùng oresol theo đúng liều lượng và hướng dẫn sử dụng.

3. Đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế

Nếu trẻ bị ngộ độc thức ăn nghiêm trọng, cha mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế để được điều trị. Tại đây, bác sĩ sẽ hỏi về thực phẩm, thức uống mà bé đã ăn cũng như thời điểm các triệu chứng bắt đầu xảy ra.

Bác sĩ sẽ thăm khám và có thể lấy mẫu máu, phân hoặc nước tiểu của bệnh nhi, sau đó gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích và tìm ra tác nhân gây ngộ độc, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp.

Trẻ bị mất nước nghiêm trọng có thể cần được điều trị tại bệnh viện bằng dịch truyền tĩnh mạch (IV). Đôi khi, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị các loại ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn nghiêm trọng hơn. Lúc này, cha mẹ cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ để bé mau khỏi bệnh.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị ngộ độc thức ăn

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm, cha mẹ nên áp dụng các biện pháp sau để giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn:

1. Bổ sung chất lỏng

Nước và điện giải không chỉ nên được bổ sung khi trẻ có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm mà còn cần được cung cấp đầy đủ xuyên suốt quá trình phục hồi của trẻ.

Cha mẹ cần thường xuyên cho trẻ uống một lượng nhỏ chất lỏng, chẳng hạn như cứ cách 15 phút lại uống vài ngụm nước. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước cho trẻ bị ngộ độc thức ăn.

  • Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi: Hãy bổ sung chất lỏng cho bé bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức.
  • Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên: Bên cạnh sữa, bạn có thể cho bé uống nước lọc, ăn canh súp, ngậm que kem…

2. Thay đổi chế độ ăn uống cho trẻ bị ngộ độc thức ăn

Khi bé bị ngộ độc thực phẩm, phụ huynh nên tránh cho con ăn thực phẩm rắn khó nhai, khó tiêu hóa, đồng thời tránh xa các chế phẩm từ sữa cho đến khi trẻ hoàn toàn hết tiêu chảy.

Cho đến khi trẻ hết tiêu chảy và nôn mửa, hãy cho bé ăn những bữa nhỏ, nhạt, ít chất béo (cháo, cơm, bánh mì, bánh quy, ngũ cốc…) trong vài ngày để ngăn ngừa tình trạng đau bụng thêm.

Một số trẻ có thể không muốn ăn trong thời gian đầu, đừng ép trẻ ăn, nhưng cũng không để bé nhịn ăn quá 24 giờ. Trong giai đoạn này, bạn chỉ nên cho bé ăn từng bữa nhỏ, đồng thời giảm lượng thức ăn của trẻ một ít so với bình thường.

3. Cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ

Trẻ bị ngộ độc thức ăn cần được nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường. Do đó, cha mẹ nên để bé ngủ nghỉ trong phòng thoáng mát, hạn chế tiếng ồn. Tránh để bé vận động mạnh sẽ gây tốn sức. Ngoài ra, việc đi ngủ sớm và đủ giấc cũng rất quan trọng, giúp cơ thể bé nhanh chóng hồi phục hơn.

4. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Cha mẹ cần đảm bảo an toàn thực phẩm cho bé, tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm thêm một lần nữa trong khi cơ thể bé vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Việc ngộ độc chồng chéo có thể khiến trẻ bị suy nhược nặng hơn, bệnh nghiêm trọng hơn, quá trình điều trị và phục hồi khó khăn hơn, kéo dài hơn.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phụ huynh cần lưu ý từ khâu chọn mua nguyên liệu, sơ chế, chế biến, đến khâu bảo quản thực phẩm đều phải tuân thủ đúng quy trình, đúng cách, sạch sẽ, an toàn.

5. Cho trẻ bị ngộ độc thức ăn dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Nếu bé bị ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng sinh, để tiêu diệt vi khuẩn gây ngộ độc. Cha mẹ cần cho bé uống thuốc đúng giờ, đúng liều để bệnh mau thuyên giảm.

Tuyệt đối không cho bé uống thuốc cầm tiêu chảy không kê đơn, trừ khi bác sĩ yêu cầu. Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường, cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời.

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm ở trẻ em

Để phòng ngừa nguy cơ trẻ bị ngộ độc thức ăn, cha mẹ cần:

  • Dặn dò tất cả thành viên trong gia đình rửa tay kỹ và thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc nước rửa tay diệt khuẩn, nhất là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn uống và sau khi chạm vào thực phẩm sống.
  • Vệ sinh sạch sẽ vật dụng làm bếp (dao, thớt, nồi, chảo…) và không gian sơ chế, chế biến thức ăn.
  • Chọn mua nguyên liệu, thực phẩm của những thương hiệu uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh.
  • Rửa sạch rau củ quả trước khi ăn, nhất là những loại ăn sống và không thể gọt bỏ vỏ.
  • Để thực phẩm sống xa thực phẩm chín cho đến khi chúng được nấu chín kỹ.
  • Bảo quản thực phẩm sống và thực phẩm chín riêng trong tủ lạnh.
  • Rã đông thực phẩm đúng cách, bảo quản thực phẩm đúng nhiệt độ thích hợp.
  • Không cho trẻ dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu hư hỏng (mùi vị lạ, màu sắc khác thường, bao bì biến dạng bất thường).
  • Hạn chế cho bé uống sữa và chế phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng.
  • Chỉ nên cho trẻ ăn thức ăn đã nấu chín và uống nước đã đun sôi để nguội.
  • Hạn chế cho bé ăn đồ ăn đường phố, thức ăn đóng hộp, thực phẩm đã chế biến sẵn.

Nhìn chung, tình trạng trẻ bị ngộ độc thức ăn hoàn toàn có thể được phòng ngừa bằng những biện pháp đơn giản. Mặc dù vậy, nếu chẳng may bé bị ngộ độc thực phẩm, cha mẹ không nên chủ quan mà cần theo dõi sát sao các triệu chứng, tuân thủ phương pháp điều trị và chăm sóc tại nhà. Nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường, cần nhanh chóng đưa bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.